KẾT QUẢ SAU 10 NĂM THI IELTS
Đêm 30 tết âm lịch mình nhận được kết quả IELTS cho lần thi thứ 5. Mình bắt đầu thi IELTS Academic từ năm 2012, đến nay 2022, là tròn 10 năm. Chứng chỉ IELTS chỉ có thời hạn 2 năm nên cứ hết hạn là mình thi lại để hỗ trợ cho việc giảng dạy cũng như xin việc. Thêm nữa bên trường mình hỗ trợ tài chánh cho các giáo viên và giảng viên thi đạt IELTS 7.0 và mình cũng cần điểm IELTS để nộp hồ sơ vào các chương trình sau đại học về nghiên cứu giáo dục. Mình xem IELTS như kì thi kiểm tra năng lực sử dụng ngôn ngữ của mình chứ không phải kì thi mà mình cần nhồi nhét kiến thức nên sẽ không có tuyệt chiêu hay bí kíp này kia.
Sơ lược thông tin cá nhân
- Hiện tại mình là Giảng Viên Khoa Ngoại Ngữ ở Đại Học.
- Mình từng là Giáo Viên Trường Dân Lập Quốc Tế Việt Úc và Anh Văn Hội Việt Mỹ.
- Mình từng là Giám Khảo Thi Nói Cambridge ở các trình độ A2/B1/B2 của Sở GDĐT Tp.HCM.
Cách học Tiếng Anh và chuẩn bị cho kì thi IELTS
Mình không học Tiếng Anh một cách thụ động hay nhồi nhét mà mình chủ động sử dụng rất nhiều Tiếng Anh trong môi trường làm việc, giảng dạy và nghiên cứu.
Như một phần công việc, mình cũng thiết kế các bài luyện nghe và luyện đọc cho học sinh sinh viên nhiều. Mình cũng nghe tin tức, nghe phân tích, đọc báo cũng như đọc sách Tiếng Anh nhiều.
Kinh nghiệm dạy IELTS
- Kinh nghiệm dạy ở trường: Khoảng 5 năm trước mình có dạy luyện thi IELTS phần Reading/Listening cho các em học sinh Việt Úc, cũng có em xuất sắc đạt IELTS Reading và Listening 9 ngay từ lớp 9, nhưng cũng có em chỉ đạt 4 điểm. Mình dạy cho cấp 3, có em overall 8.0 nhưng cũng có em chỉ 5 điểm 🙁
- Kinh nghiệm tutor: Mình cũng từng tutor cho học sinh đạt IELTS Writing 7.5 và overall 7.5. Năm ngoái cũng tutor người nhà mình (cùng với 2 thầy cô khác trong 6 tháng ôn luyện toàn thời gian) thi IELTS General (dành cho người đi làm) đạt 5.5 sau khi đã anh ấy đã không đụng tới Tiếng Anh trong 15 năm.
- Từ kinh nghiệm dạy và tutor mình thấy người học cần nỗ lực rất lớn. Đặc biệt mình phản đối cách học thuộc lòng nguyên đoạn văn hay nguyên câu trả lời. Áp lực và sự thay đổi liên tục các câu hỏi của kì thi sẽ khiến bạn quên sạch, tệ hơn nữa là ráp sai chỗ. Giám khảo sẽ luôn biết bạn nào học thuộc lòng nhưng trả lời trớt quớt và đương nhiên sẽ trừ điểm nặng.
Kết quả điểm IELTS qua các năm
- Năm 2012: 7.5 (L8; R8.0; W6.5; S7.5)
- Năm 2014: 7.5 (L8; R8.0; W6.5; S7.5)
- Năm 2016: 8.0 (L9; R8.5; W7; S8)
- Năm 2018: 8.0 (L9; R8.5; W6.5; S8) – Thi máy tính
- Năm 2022: 8.0 (L8; R8.5; W7; S8.5) – Thi máy tính
Mình để ý là sau khi chuyển qua làm việc tại môi trường đại học từ năm 2015, nơi mình dạy đủ 4 kỹ năng Nghe/Nói/ Đọc/Viết thì overall của mình tăng 0.5, từ 7.5 lên 8.0.
Khi mình dạy ở trường quốc tế hay trung tâm thì thường kỹ năng Viết và Nói sẽ do giáo viên người nước ngoài phụ trách nên 2 kỹ năng này điểm của mình không tốt bằng 2 kỹ năng Nghe/Đọc. Mặt bằng chung của tất cả các thí sinh thi IELTS ở VN là ráng thi điểm Nghe/Đọc cao để kéo 2 điểm kia, nâng overall band. Cách này về ngắn hạn thì tốt nhưng về lâu dài không giúp ích gì được nhiều cho việc nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ thực chiến nên mình đề cao các bạn có điểm Viết/Nói cao hơn là overall cao 🙂 Tuy vậy cũng tùy hướng dẫn của nơi yêu cầu bạn nộp IELTS mà có thể có các mức điểm khác nhau cho từng kỹ năng và cho overall band.
Thời gian và tài liệu ôn thi cho năm 2022
Mình ôn thi (nói đúng hơn là giải đề ) tầm 3 tuần và hoàn toàn tập trung vào Writing Part I. Các kỹ năng khác như Đọc và Nghe thì chỉ làm Practice Tests tầm 6 bài. Còn thực hành Nói thì tự nhìn câu hỏi tổng hợp các nguồn được share trên mạng và tự trả lời khoảng 10 ngày trước kì thi. Giáo trình mình sử dụng:
- IELTS Writing: giáo trình Key to IELTS của cô Pauline Culine và IELTS Advantage Writing.
- Mindset for IELTS 3: hệ thống bài tập trực tuyến của IELTS Mindset giống y hệt hệ thống trực tuyến của thi IELTS trên máy tính nên nếu bạn nào dự kiến thi IELTS trên máy tính thì nên sử dụng tài khoản online của IELTS Mindset để trải nghiệm và làm quen với IELTS trên máy tính. Do thi trên máy tính nên khi thực hành mình tự động tắt phần mềm kiểm tra chính tả, thực hành tự dò lỗi và bật phần mềm sau khi đã dò lỗi xong.
- Các tài liệu khác: IELTS Trainer và Cambridge IELTS Practice Tests . Tất cả tài liệu này đều do Cambridge biên soạn và dạng thức đề đều rất sát kì thi thật. Điểm trừ là các bài mẫu khá rối rắm, một số bài thì do thí sinh viết ở các band điểm khác nhau.
PHÂN TÍCH ĐIỂM TRONG LẦN THI MỚI NHẤT VÀ HƯỚNG CẢI THIỆN
IELTS Listening
- Hai lần trước mình may mắn đạt 9.0. Nói là may mắn vì trong hai lần thi trước có một phần chọn matching/multiple choice cho phần sơ đồ/biểu đồ mình hoàn toàn không nghe được gì nhưng mình dùng suy luận để lựa chọn đáp án, cuối cùng cũng đúng và đạt điểm tuyệt đối 🙂
- Lần này mình không may mắn như thế, chỉ đạt 8.0. Ngay từ Part I mình đã bị lỡ nhịp nghe do quá hồi hộp 🙁 Phần điền từ là thế mạnh cũng không còn là thế mạnh. Đặc biệt phần Multiple Choice with Multiple Answers bị lỡ nhịp nhiều cũng như không nắm chắc các thông tin, bị nhiễu (distractors).
Hướng cải thiện nâng band
- Hai năm nay mình không còn nghe Podcasts nhiều như xưa nữa nên chắc chắn mình sẽ nghe lại Podcasts một cách thường xuyên hơn, đặc biệt là TED Radio Hour và NPR Planet Money trên ứng dụng Google Podcasts.
- Mình sẽ dành thời gian thực hành Part II/Part III tập trung vào nghe các câu Multiple Choice.
IELTS Reading
- Sở trường của mình là Reading. Hai lần thi trước mình đều đạt 8.5, lần này cũng đạt 8.5. Tốc độ đọc của mình rất nhanh và thực sự làm xong bài Reading mình còn dư ít nhất 10 phút (tính luôn cả thời gian xin đi vệ sinh sau khi xong Part II). Tuy vậy mình vẫn còn bị sai các câu T/F/NG và Y/N/NG.
Hướng cải thiện nâng band
Chắc chắc quan điểm của mình và quan điểm của người biên soạn đề thi IELTS cho các câu T/F/NG không match 🙂 Mình sẽ nghiên cứu kỹ cách họ tư duy phần này và thực hành các phần này nhiều hơn trong lần thi tới.
IELTS Writing
- Điểm thi viết của mình thì loanh quanh lập bập ở mức 6.5/7 ở cả hai hình thức thi máy tính và trên giấy. Mỗi lần thi IELTS đề có cảm giác phập phồng. Lần này đạt 7.0 trên máy tính, vừa đủ yêu cầu đặt ra trước khi thi vì chương trình sau đại học yêu cầu Writing phải có ít nhất 7.0
- Trong quá trình ôn thi mình chủ yếu tập trung ôn IELTS Writing trong giáo trình Key to IELTS của cô Pauline Culine. Cô giải thích cách giám khảo chấm bài một cách tường tận và hướng dẫn tư duy rất tốt giúp mình khai triển ý mạch lạc và viết ý một các tròn trịa nên khác với các lần thi trước lần này mình đạt điểm 7 một cách tự tin.
- Timed Writing (viết dưới áp lực thời gian) không phải sở trường của mình vì mình thường cần rất nhiều thời gian để gọt giũa và sắp xếp ý tưởng do quen với cách tiếp cận này của việc viết nghiên cứu nên điểm phần Writing của các lần thi trước luôn khiến mình hoang mang. Vừa rồi thi máy tính mình type Task 1 240 words và Task 2 360 words: hơi dài nên không có thời gian edit cho kỹ! Task 1 mình mất tới 30 phút để viết.
Hướng cải thiện nâng band
Tăng tốc độ hoàn thành bài tập và thực hành tư duy Task 1 nhiều hơn. Mình tin là trong lần thi tới mình sẽ cải thiện điểm IELTS Writing. Thêm nữa, feedback cho bài viết là quan trọng. Mình chưa từng nhờ ai feedback các bài writing IELTS của mình. Đây là một điểm trừ rất lớn nên chắc chắn mình sẽ cần nhờ các đồng nghiệp sửa giúp bài của mình để tăng điểm cho các bài thi trong tương lai.
IELTS Speaking
Hai lần trước mình đạt 7.5 và 8.0. Lần thi này mình đạt 8.5. Đây chắc là kết quả bất ngờ nhất vì khi thi xong mình nghĩ mình làm bài không tốt và chắc chỉ đạt 6.5. Một số nhận xét mình rút ra sau các lần thi IELTS Speaking:
- Mình xem kì thi IELTS Speaking là nơi mình chia sẻ ideas với giám khảo nên mình luôn nói với giọng rất hào hứng (enthusiastic) khi chia sẻ câu trả lời của mình. Có lần mình thi xong, Giám Khảo tắt ghi âm và nói chuyện riêng với mình thêm 30 phút về giáo dục ở Việt Nam nữa 🙂
- Đề thi và cách giám khảo đặt câu hỏi mang tính cá nhân hóa rất cao nên nếu học thuộc lòng mà không hiểu gì là chết ngay với họ 🙂 Các giám khảo sẽ dựa trên câu trả lời của bạn để mở rộng và kiểm tra khả năng ứng biến của bạn.
- Đợt thi năm 2022 rất đặc biệt do Covid nên cả thí sinh và giám khảo đều đeo khẩu trang. Do đeo khẩu trang nên mình tự hỏi sao giám khảo có thể nhìn khẩu hình miệng và biết mình phát âm đúng nhỉ? Mình cũng đã nghĩ tới cảnh phải minh họa một số âm trên lòng bàn tay để giám khảo có thể thấy mình phát âm chuẩn: I think /θɪŋk/: thay vì để lưỡi giữa hai hàm răng thì xòe cái tay ra như hình dưới 🙂

- Part I: Thông tin mình trả lời chủ yếu từ cuộc sống cá nhân, ví dụ khi họ hỏi về hometown thì mình có nói về vùng công giáo nơi mình sinh ra (a strong Catholic community) Rồi giám khảo hỏi mình nơi này có tốt để sinh trưởng không thì mình nói tiếp rất là tốt và giải thích là educated with Catholic deep values.
- Part II: nói về a skill you learned. Phần này mình nói trong 2 phút về coding programs. Vì tốc độ nói của mình khá nhanh nên khi mình nói xong thì có nhìn giám khảo xem phản ứng thế nào thì thấy cô gật gật và muốn nghe tiếp nên mình lại dựa vào cues để nói tiếp. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến mình nghĩ mình làm IELTS speaking không tốt, ai ngờ họ không trừ điểm ngập ngừng của mình.
- Part III: Điểm mạnh của mình là background knowledge và các content words nên hầu như mình không gặp bất cứ vấn đề gì trong các câu hỏi thảo luận mở rộng trong Part III. Giám khảo yêu cầu mình phân tích fake news và why people trust fake news. Mình có đề cập tới misinformation, news verification techniques và confirmation bias. Giám khảo cũng hỏi mở rộng sang sự khác nhau giữa specialist knowledge và general knowledge thì mình có nói về kì thi PISA được phát triển bởi OECD để kiểm tra kỹ năng đọc hiểu và toán của các quốc gia, còn specialist knowledge thì mình nói đó là vấn đề của top level (quốc gia) và chính phủ cần hỗ trợ ví dụ như vừa rồi hai nước UK và Germany họ đầu tư rất nhiều vào biological science và gặt hái thành công với Covid-19 vaccines. Họ xoáy vào các câu trả lời để truy vấn mình. Họ cũng rất công bằng và sẽ tập trung thưởng điểm nếu bạn dám thoải mái trình bày quan điểm rõ ràng và hợp lý trong Part III.
Hướng nâng band
- Chắc là vẫn tiếp tục đọc nhiều, nghe nhiều và ghi chú lại nhiều content words và useful expressions (các cụm từ hữu ích) để có ý tưởng cho Part III.
LỜI KẾT
Mình quan sát thấy bài thi Nghe, thi Đọc và thi Nói thì nội dung của kì thi IELTS rất cập nhật các vấn đề hiện đại nên việc bổ sung kiến thức về các vấn đề xã hội, văn hoá, giáo dục địa phương và toàn cầu sẽ giúp ích rất nhiều cho việc nâng cao điểm các phần thi. Còn thi Viết thì cấu trúc hay nội dung bài thi thì ít khi thay đổi. Mình cần nắm vững các cấu trúc về so sánh, lập dàn ý nhanh hơn, khai triển ý và viết dưới áp lực thời gian tốt hơn. Chắc là mình sẽ cần chuyên tâm hơn và thực hành thường xuyên hơn cho việc luyện viết IELTS để điểm cao hơn. Và cũng hi vọng đề thi Viết sẽ thân thiện hơn trong tương lai, ví dụ minh họa từ hình bữa cơm gia đình mình 🙂

Cảm ơn các bạn đã đọc tới cuối bài. Nếu có thắc mắc các bạn để lại câu hỏi trong phần comment nhá.
Thân mến,